SKKN Biện pháp tổ chức trò chơi toán học nhằm nâng cao hứng thú học tập và phát triển một số năng lực toán học cho học sinh Lớp 3

doc 10 trang binhlieuqn2 07/03/2022 1379226
Bạn đang xem tài liệu "SKKN Biện pháp tổ chức trò chơi toán học nhằm nâng cao hứng thú học tập và phát triển một số năng lực toán học cho học sinh Lớp 3", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docskkn_bien_phap_to_chuc_tro_choi_toan_hoc_nham_nang_cao_hung.doc

Nội dung tóm tắt: SKKN Biện pháp tổ chức trò chơi toán học nhằm nâng cao hứng thú học tập và phát triển một số năng lực toán học cho học sinh Lớp 3

  1. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC TRÒ CHƠI TOÁN HỌC NHẰM NÂNG CAO HỨNG THÚ HỌC TẬP VÀ PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NĂNG LỰC TOÁN HỌC CHO HỌC SINH LỚP 3 1. Lí do thực hiện biện pháp 1.1. Trong chương trình giáo dục Tiểu học, môn Toán có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Nó là môn cần thiết cho người lao động, cần thiết để các em học tập các môn học khác. Việc dạy học môn Toán góp phần bồi đắp kiến thức, kĩ năng toán học, rèn luyện phát triển óc sáng tạo và các phẩm chất, năng lực cho học sinh. Vì vậy, giáo viên phải tạo được hứng thú học tập cho các em, lôi cuốn các em tham gia vào hoạt động học tập. 1.2. Tuổi học trò với đặc điểm hồn nhiên, hiếu động luôn bị cuốn hút bởi những trò chơi mới lạ. Dường như, các em luôn tranh thủ thời gian để được chơi. Những giây phút đó giúp các em cảm thấy thoải mái và phấn chấn hơn. Chính vì vậy, các em luôn háo hức, sẵn sàng hòa mình vào những trò chơi. Để các em “chơi mà học, học mà chơi” nhằm lôi cuốn các em vào hoạt động, giáo viên phải chủ động tìm tòi những cách thức mới trong việc tổ chức hoạt động học. Phương pháp tổ chức trò chơi toán học là một phương pháp rất hiệu quả, thu hút sự tập trung cao độ của học sinh. 1.3. Thực tế hiện nay đã có một số tác giả nghiên cứu về việc thiết kế và sử dụng trò chơi dạy học dưới các góc độ và các bộ môn khác nhau. Những tác giả đó đã chỉ ra được lợi ích của trò chơi mang lại trong dạy học toán và giới thiệu một số trò chơi học tập sử dụng trong dạy học môn Toán ở Tiểu học. Tất cả đều khẳng định sự cần thiết phải tạo hứng thú học toán cho học sinh. Tuy nhiên, rất ít tác giả đi sâu đưa ra biện pháp tổ chức trò chơi toán học như thế nào cho hiệu quả, để nâng cao hứng thú học tập cho học sinh lớp 3. 1.4. Mặt khác, việc làm thế nào để các em vừa lĩnh hội tri thức một cách dễ dàng vừa củng cố, khắc sâu kiến thức một cách vững chắc; tiết học vừa nhẹ nhàng, vừa hấp dẫn để các em được vui chơi trong những giờ học hằng ngày; làm sao để biến các tiết học toán căng thẳng, gò bó trở thành tiết học hấp dẫn mà các em chờ đợi, sẵn sàng hòa mình cùng giáo viên để lĩnh hội tri thức, đồng thời phát huy tính tự giác, tích cực, sáng tạo của người học không chỉ là băn khoăn của cá nhân tôi mà là nỗi trăn trở của rất nhiều giáo viên tiểu học. Với những lí do trên, tôi quyết định lựa chọn “Biện pháp tổ chức trò chơi toán học nhằm nâng cao hứng thú học tập và phát triển một số năng lực toán học cho học sinh lớp 3”. 2. Mục đích thực hiện biện pháp Thiết kế, xây dựng được hệ thống trò chơi mới thực hiện trong dạy học môn Toán; đưa ra một số kĩ thuật tổ chức trò chơi toán học đạt hiệu quả để học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức, thể hiện được khả năng của mình trước mọi người, đồng thời phát triển một số phẩm chất và năng lực toán học ở các em, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Toán. 3. Cơ sở lí luận 3.1. Cơ sở khoa học
  2. Theo Nguyễn Quang Uẩn Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó, thể hiện ở sự chú ý tới đối tượng, khao khát đi sâu nhận thức tìm hiểu đối tượng, nó có ý nghĩa đối với cuộc sống và có khả năng mang lại khoái cảm trong quá trình hoạt động. Hứng thú học tập là thái độ của học sinh đối với hoạt động học tập. Các em bị chinh phục về mặt tình cảm và có ý thức tự giác trong học tập vì những hoạt động học tập đó mới mẻ và hấp dẫn, cuốn hút các em. Trò chơi học tập là một trong những hình thức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Thông qua trò chơi học tập, có thể phát triển ở học sinh nhiều năng lực chung và năng lực đặc thù bộ môn, như: năng lực hợp tác, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức, sử dụng phương tiện học tập Đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh Tiểu học: Hiếu động, dễ nhớ, dễ quên, thích tìm hiểu, khám phá nhưng cũng chóng nhàm chán, giáo viên cần đưa ra phương pháp dạy học phù hợp “Học mà chơi, chơi mà học” tạo sự hấp dẫn, thu hút các em tham gia học tập. 3.2. Cơ sở pháp lí Chương trình tổng thể Ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT nêu rõ: Giáo dục toán học góp phần hình thành và phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, vận dụng toán học vào thực tiễn. Giáo dục toán học tạo lập sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa Toán học với thực tiễn, giữa Toán học với các môn học và hoạt động giáo dục khác. TT22/2016/TT-BGDĐT kết hợp với TT30 về việc đánh giá học sinh cũng đã chỉ rõ: ngoài việc hình thành kiến thức kĩ năng cho học sinh thì người giáo viên còn chú trọng phát triển cả phẩm chất, năng lực cho học sinh. Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018 đã chỉ rõ dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình. 3.3. Cơ sở thực tiễn Ý tưởng sử dụng trò chơi với mục đích dạy học đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm và được các nhà sư phạm đưa vào sử dụng. Đặc biệt, ở nước ta, có nhiều tác giả nghiên cứu về việc thiết kế và sử dụng trò chơi dạy học dưới các góc độ và các bộ môn khác nhau. Thực tế, một số giáo viên cho rằng khó có thể tổ chức trò chơi trong môn Toán, nhiều giáo viên nếu tổ chức thì chỉ sử dụng trò chơi để củng cố kiến thức của tiết học, trò chơi chưa liên kết đến bài học, các hình thức trò chơi chưa phong phú khiến học sinh nhàm chán, tham gia học tập một cách thụ động. Trò chơi toán học có vai trò rất to lớn trong việc nâng cao hứng thú học tập giúp các em chủ động chiếm lĩnh tri thức một cách nhanh chóng và hiệu quả. Vì vậy, muốn tổ chức trò chơi trong môn Toán thành công, giáo viên cần phải trang bị cho mình biện pháp tổ chức trò chơi hợp lí, phát huy tác dụng của mỗi trò chơi. 4. Quá trình thực hiện biện pháp.
  3. 4.1. Nắm vững đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, từ đó lựa chọn thiết kế trò chơi sao cho mới lạ, hấp dẫn Học sinh lớp 3 dễ thích nghi và tiếp nhận cái mới, hứng thú với những cái mới lạ. Ở độ tuổi này sự tập trung, chú ý lâu dài của các em chưa cao, tính hiếu động bộc lộ rõ nét. Vì vậy, trong quá trình lựa trò chơi toán học, đòi hỏi giáo viên phải chọn được trò chơi có tính mới lạ nhưng cũng vừa đảm bảo kiến thức cho học sinh, khơi gợi sự tò mò của các em. Khi thiết kế, chúng ta có thể lựa chọn một trong 2 cách: Một là cải biên dựa trên trò chơi sẵn có: Trò chơi học tập có thể được thiết kế lại từ những trò chơi sẵn có trong sinh hoạt hàng ngày (trò chơi Đoàn kết, Truyền điện, Tiếp sức ) hoặc từ những gameshow đa dạng hiện nay trên đài truyền hình (Ai là triệu phú, chiếc nón kì diệu, rung chuông vàng ). Thông thường, giáo viên phải chỉnh sửa cách chơi cho phù hợp với điều kiện của lớp học, điều đó cũng khiến trò chơi cải biên có yếu tố mới lạ, giúp học sinh hứng thú tham gia chơi và nhận thức bài học từ trò chơi đó. Ví dụ: Khi dạy bài “Bảng đơn vị đo độ dài” tôi đã sử dụng trò chơi Ai là triệu phú trên VTV3 và cải biên nội dung để củng cố mối quan hệ giữa các đơn vị đo, cách đổi đơn vị đo dưới hình thức trắc nghiệm. Khi sử dụng trò chơi này các em rất hào hứng. Hai là sáng tạo theo nội dung học tập: Đây là cách thức sáng tạo khó khăn nhất nhưng khi trò chơi được hình thành thì bài học trừu tượng trở nên rất ấn tượng và không khí học tập hết sức sôi nổi, hào hứng đối với học sinh. Điều này cũng khẳng định tài năng sư phạm của người giáo viên. Khi dạy bài chia số có ba chữ số cho số có một chữ số trang 72 Toán 3 tôi đã sử dụng nội dung bài tập 3 để sáng tạo trò chơi Vòng quay kì diệu. Trong vòng quay kì diệu sẽ đánh số thứ tự 1,2,3,4 nếu vòng quay dừng lại ở số nào thì học sinh sẽ đưa ra đáp án tương ứng với ô trống có đánh số tương ứng đã bị ẩn kết quả. Trả lời đúng sẽ nhận được phần thưởng. Đối với bài này tôi cho học sinh làm việc cá nhân sau đó huy động kết quả qua trò chơi khiến học sinh rất hứng thú, giúp các em rèn luyện trí nhớ, khả năng
  4. trình bày, chia sẻ, bảo vệ kết quả học tập của bản thân trước lớp, đồng thời người quản trò còn được rèn luyện sự nhanh nhẹn, khả năng xử lí các tình huống học tập trong trò chơi. 4.2. Lựa chọn trò chơi phù hợp với bài học để khai thác kiến thức cần đạt và phát triển một số năng lực toán học cho học sinh. 4.2.1. Lựa chọn tổ chức trò chơi trong một hoạt động của tiết học. Khi lựa chọn, thiết kế trò chơi toán học, chúng ta cần nghiên cứu kĩ, xác định mục tiêu của bài học là gì? Tổ chức trò chơi nhằm mục đích gì? Phải dựa vào nội dung bài học, điều kiện thời gian trong mỗi hoạt động cụ thể để thiết kế các trò chơi cho phù hợp. a) Hoạt động khởi động Trò chơi toán học sử dụng trong hoạt động khởi động sẽ tạo hứng thú học tập cho học sinh, là phương tiện để giáo viên phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề cho các em, kết nối kiến thức đã có từ đó đi vào bài mới một cách hấp dẫn. Ví dụ: Khi dạy bài Luyện tập trang 89, Toán 3, để khởi động cho tiết học tôi đã tổ chức trò chơi Ai nhanh? Ai đúng? để các em ôn tập lại cách tính chu vi hình vuông và chu vi hình chữ nhật. Trong trò chơi này, tôi đã cho học sinh sử dụng thẻ đáp án và ứng dụng phần mềm plicker để quét mã khiến học sinh rất thích thú, tạo một tâm thế tốt để các em bước vào tiết học. b) Hoạt động khám phá Thông qua trò chơi để học sinh phát hiện vấn đề, tự khám phá lĩnh hội kiến thức cho chính mình. Ví dụ: Khi dạy bài Luyện tập trang 142, ở bài tập 2, tôi đã tổ chức trò chơi Ô cửa bí mật. Luật chơi: Có 6 ô cửa bí mật, các ô cửa ẩn chứa một con số, nếu người chơi đọc đúng số đó sẽ chiến thắng và nhận được một phần quà. Sau khi học sinh lật mở hết các ô cửa tôi sẽ gợi mở (Khi đọc số có 5 chữ số ta đọc thế nào?) để học sinh nêu quy tắc đọc số có 5 chữ số. Trong trò chơi, các em được rèn kĩ năng đọc số có 5 chữ số, được chia sẻ với các bạn trong lớp, khiến các em mạnh dạn, tự tin hơn và qua đó phát triển năng lực giao tiếp, năng lực ngôn ngữ.
  5. c) Hoạt động thực hành Trò chơi học tập thường được sử dụng để huy động kết quả bài làm của học sinh. Ví dụ: Khi dạy bài Gam trang 65, ở bài tập 1, tôi cho học sinh làm bài cá nhân vào phiếu học tập sau đó huy động với trò chơi Hái hoa dân chủ. Mỗi bông hoa ẩn chứa một câu hỏi tương ứng với a/b/c hoặc d ở sách giáo khoa, học sinh lựa chọn số của bông hoa và trả lời, chia sẻ, trao đổi nội dung bài học, bảo vệ kết quả học tập của bản thân. d) Hoạt động Vận dụng Trò chơi toán học sẽ giúp các em củng cố ôn tập kiến thức, rèn luyện kĩ năng, vận dụng toán học vào thực tiễn, thông qua trò chơi để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Ví dụ: Trò chơi: “Giúp Rùa con tìm mẹ”. Luật chơi: Rùa con bị lạc mất mẹ của mình. Muốn tìm được mẹ rùa sẽ phải trả lời đúng các câu hỏi do các con vật Chim non, Ngựa trắng và Ốc sên đưa ra để tìm được chỉ dẫn. Nhiệm vụ của các em là giúp rùa con trả lời các câu hỏi đó, nếu trả lời sai sẽ dừng lại cuộc hành trình, nếu trả lời đúng sẽ tiếp tục giúp đỡ rùa con. Qua trò chơi này các em không chỉ ôn tập được nội dung bài học mà còn nuôi dưỡng, phát triển tình yêu thương, biết quan tâm giúp đỡ người khác ở học sinh. 4.2.2. Lựa chọn tổ chức trò chơi xuyên suốt cả tiết học.
  6. Một năm học có thể tổ chức ít nhất 2-3 bài thành "tiết trò chơi" (nếu có thể). Tôi thường sử dụng tiết Luyện tập, Luyện tập chung hoặc Ôn luyện Toán để tổ chức thành các "tiết trò chơi" cho các em. Ví dụ: Bài Luyện tập trang 142 Toán 3, tôi đã thiết kế các bài tập ở sách giáo khoa thành các trò chơi toán học, cụ thể như sau: Bài tập 1: Trò chơi Con số bí ẩn - Luật chơi: Có 4 hàng ngang, ẩn chứa một số có 5 chữ số và các hàng của số đó, trong đó một số ô đã bị ẩn. Nhiệm vụ của người chơi là tìm ra số bị ẩn đó. Nếu trả lời đúng thì sẽ nhận được một phần quà từ giáo viên. - Thông qua trò chơi học sinh sẽ nắm được kiến thức: Số có năm chữ số gồm những hàng nào?, biết vận dụng các thao tác suy luận, tư duy ở mức độ đơn giản. Bài tập 2: Trò chơi Ô chữ kì diệu Luật chơi: Có 4 hàng ngang ẩn chứa cách đọc số tương ứng với 4 lượt chơi, mỗi lượt một tổ cử 2 người chơi, một người đọc số, một người viết số. Nhiệm vụ đội chơi là viết ra bảng con chữ số tương ứng với hàng ngang đã chọn. HS dưới lớp viết vào bảng con. Đội nào viết đúng sẽ được tặng một sao may mắn. Sau 4 lượt chơi, đội nào có nhiều sao may mắn hơn sẽ là đội thắng cuộc. Sau trò chơi tôi sẽ lưu ý cách viết số, đọc số cho học sinh: Khi viết số (đọc số) có năm chữ số ta viết (đọc) từ hàng cao nhất đến hàng thấp nhất (từ trái sang phải).Qua trò chơi này học sinh rèn được kĩ năng đọc số, viết số, biết phối hợp với đồng đội để hoàn thành nhiệm vụ học tập, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong học sinh. Bài tập 3,4: Trò chơi: Ai thông minh hơn?
  7. - Luật chơi: Có 4 dãy số. Học sinh chọn một dãy số. Điền số còn thiếu và đọc dãy số đó, nếu đọc đúng sẽ nhận được phần quà. - Sau trò chơi, các dãy số được lật mở, tôi sẽ hướng dẫn HS quan sát, tìm hiểu quy luật của các dãy số : + Dãy 1, 2, 3: Số đứng sau lớn hơn số đứng trước bao nhiêu? + Tìm hiểu dãy số 4: Trong dãy số này có điểm gì giống nhau? - Từ đó giới thiệu cho học sinh: Các số có hàng trăm, hàng chục, hàng đơn vị là 0 được gọi là các số tròn nghìn. Khi tham gia trò chơi các em rất hứng thú, tiếp thu bài nhanh chóng hơn so với bình thường khi không có trò chơi đồng thời giúp các em phát triển các năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tính toán, năng lực ngôn ngữ, biết vận dụng các thao tác tư duy, suy luận, tính toán , giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn. 4.3. Hướng dẫn trò chơi một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu Khi hướng dẫn một trò chơi cần phải hướng dẫn theo các bước sau: Giới thiệu tên trò chơi - Giải thích cách chơi và nêu rõ luật chơi - Cho HS chơi thử (nếu cần) Trước khi hướng dẫn trò chơi yêu cầu tất cả học sinh im lặng, tập trung. Hướng dẫn trò chơi nên chọn lối trình bày rõ ràng, ngắn gọn, dí dỏm giúp học sinh nắm bắt nhanh chóng luật chơi và cách chơi. Không nên giải thích dài dòng khiến học sinh mất hứng thú ngay từ khi chưa tham gia trò chơi. Ví dụ: Luật trò chơi “Câu cá” như sau: Trong hồ có các tấm bìa có ghi phép tính nhân, kết quả đều gắn nam châm. Học sinh dùng cần câu có lưỡi câu gắn nam châm câu phép tính, câu kết quả tương ứng để bạn đính lên bảng lớp. Nhóm nào câu được nhiều cá (đúng phép tính trong bảng nhân) thì nhóm đó thắng. Trong luật chơi phải nêu rõ tiêu chí đánh giá của trò chơi. Sau khi hướng dẫn cách chơi xong nên hỏi lại lần cuối xem người chơi đã hoàn toàn hiểu chưa, đã sẵn sàng để bước vào trò chơi chưa để chắc chắn rằng tất cả học sinh đều nắm chắc luật chơi và sẵn sàng hòa mình cùng giáo viên khám phá trò chơi chiếm lĩnh tri thức cho bản thân. 4.4. Tổ chức trò chơi chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Người điều hành trò chơi có thể là giáo viên hoặc một học sinh trong lớp. Tuy nhiên, giáo viên nên hướng dẫn cho học sinh thực hiện vai trò tổ chức trò chơi để giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn. Khi học sinh là người điều hành, các em sẽ có cơ hội được thể hiện bản thân trước mọi người, rèn luyện kĩ năng làm chủ hoạt
  8. động học tập của mình. Trong quá trình học sinh điều hành, giáo viên nên quan sát, hỗ trợ kịp thời cho người điều hành (nếu cần thiết). Để đảm bảo "học mà chơi, chơi mà học" , các em chủ động tham gia hoạt động học tập thì trò chơi phải có các câu hỏi với độ khó, dễ khác nhau, một số trò chơi đòi hỏi sự phối hợp giữa các thành viên để hoàn thành nhiệm vụ từ đó phát huy tính tích cực, chủ động, kĩ năng hợp tác nhóm, tinh thần đoàn kết cho các em. 4.5. Tổ chức trò chơi có nghệ thuật Trò chơi có hấp dẫn hay không là tùy thuộc vào nghệ thuật điều khiển của người quản trò. Nếu có một trò chơi khoa học, sáng tạo phù hợp mà người tổ chức, điều hành còn vụng về, không biết cách tổ chức trò chơi hiệu quả thì không thể nào đạt được kết quả như mong đợi mà thậm chí còn khiến học sinh cảm thấy “mất hứng” khi tham gia chơi. Cần quy định rõ thời gian trong luật chơi, tránh trường hợp tổ chức không khéo léo dẫn đến tiết học bị kéo dài, ảnh hưởng đến các tiết học sau. Ví dụ: Khi dạy bài Hình tròn, tâm, đường kính, bán kính, cuối tiết học tôi sẽ Tổ chức trò chơi Ai là nhà thông thái? (Phiên bản gameshow Ai là triệu phú?) để ôn lại nội dung bài học. Trong các câu hỏi tôi đã thiết kế rõ thời gian để đưa ra đáp án đúng là một đoạn nhạc ngắn. Sau khi kết thúc đoạn nhạc nếu học sinh không đưa ra được đáp án thì không giành được điểm của câu đó. Trò chơi này không chỉ giúp các em ôn lại nội dung bài học mà còn rèn sự nhanh nhẹn, khéo léo để đưa ra đáp án đúng trong thời gian quy định. Trong quá trình chơi, giáo viên chú ý đến việc thực hiện luật chơi của học sinh vì nếu không tuân thủ theo luật chơi thì trò chơi sẽ không đạt được mục đích. Không nên đưa ra “hình phạt” các bạn làm sai một cách nghiêm khắc, những học sinh chưa làm đúng hoặc làm chưa tốt nên khích lệ sự cố gắng hoặc khen ngợi tinh thần tham gia trò chơi của các em với nội dung vui, tế nhị, tạo được không khí vui vẻ giữa người thắng và người “chưa chiến thắng”. Ví dụ: Sau khi tổ chức cho học sinh chơi xong, nhóm thắng cuộc sẽ nhận được một phần quà từ giáo viên còn nhóm chưa chiến thắng, tôi sẽ cho các em thể hiện sự quyết tâm dành chiến thắng ở lần chơi sau của mình bằng một điệu nhảy hoặc một bài hát Điều này khiến không khí lớp học rất vui nhộn.
  9. Tóm lại, có nhiều trò chơi toán học với nhiều biện pháp tổ chức trò chơi khác nhau. Tuy nhiên, nếu giáo viên có phương pháp tổ chức phù hợp thì tôi tin rằng các tiết Toán sẽ trở nên hấp dẫn, lôi cuốn học sinh hơn. 5. Kết quả đạt được. Khi có giải pháp tổ chức các trò chơi, giáo viên không còn thấy lúng túng khi tổ chức một giờ học toán sao cho sinh động. Các trò chơi toán học được vận dụng thành thạo, khá linh hoạt, khai thác triệt để tác dụng của mỗi trò chơi. Hứng thú học tập của các em trong môn Toán có sự thay đổi rõ rệt so với đầu năm học: Tổng Không hứng Rất hứng Bình thường Hứng thú Lớp số thú thú 3C học SL % SL % SL % SL % sinh Đầu năm 30 15 50% 7 23,3% 5 16,7% 3 10,0% Cuối HKI 30 0 0% 0 0% 14 46,7% 16 53,3% So sánh kết Giảm Giảm Giảm Giảm Tăng Tăng Tăng Tăng quả Đầu năm 30 15HS 50,1% 7HS 23,3% 9HS 30,1% 13HS 43,3% và cuối HKI Đầu năm, lớp học của tôi giảng dạy rất trầm, khi tôi đưa trò chơi toán học vào áp dụng trong giờ học thì không khí học tập khác hẳn, học sinh rất thích thú, hào hứng đón nhận trò chơi và kiến thức dần dần được các em nắm bắt thông qua các hoạt động đó một cách nhẹ nhàng và hiệu quả, khi có sự hứng thú với môn học, các em học tập tích cực, những em chậm chạp cũng năng động hơn. Chất lượng môn Toán tại đơn vị cải thiện đáng kể, cụ thể: HTT HT CHT Lớp Tổng số 3C học sinh SL % SL % SL % Đầu năm 30 5 16,7% 16 53,3% 9 30% Cuối HKI 30 10 33,3% 19 63,4% 1 3,3 % So sánh kết quả Đầu Tăng Tăng Tăng Tăng Giảm Giảm 30 năm và cuối HKI 5HS 16,7% 3HS 10,1% 8 HS 26,7% Phát huy tính tự giác, tích cực sáng tạo của người học. Các em mạnh dạn, tự tin hơn khi phát biểu xây dựng bài, khi giao tiếp với bạn bè và trong các tình huống học tập. Năng lực, phẩm chất của học sinh đã có sự phát triển rõ nét. Thông qua việc tổ chức các trò chơi toán học cho các em, giáo viên đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu trong giảng dạy và chu đáo hơn khi chuẩn bị đồ dùng dạy học, việc thiết kế bài giảng đạt hiệu quả cao và sinh động hơn. Tôi đã áp dụng biện pháp trên trên vào thực tế tại lớp học mình đảm nhiệm, chúng có tính khả thi, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí học sinh và điều kiện thực tế, tôi đã chia sẻ biện pháp tổ chức trò chơi toán học của mình với đồng nghiệp và đã mang lại kết quả tốt hơn trong việc tổ chức các trò chơi trong môn Toán cho học sinh khối 3. 6. Bài học kinh nghiệm
  10. Qua việc nghiên cứu, tôi đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau: Trò chơi học tập là loại trò chơi gắn với nội dung bài học và phục vụ cho mục đích học tập, giúp học sinh khai thác vốn kinh nghiệm của bản thân, rèn luyện cả về trí tuệ và nhân cách cho học sinh. Thông qua trò chơi học sinh được rèn luyện các giác quan, sự thông minh, nhạy cảm, sáng tạo, hoạt bát và đặc biệt là được giao lưu học hỏi với các bạn trong nhóm, tổ và trong lớp. Học sinh rất thoải mái, tiếp thu bài học một cánh nhẹ nhàng, tự nhiên đồng thời giúp học sinh có được thói quen hợp tác trong học tập. Học sinh mạnh dạn, tự tin và có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng nghe - nói. Khi tổ chức trò chơi toán học, giáo viên cần tìm hiểu kỹ cách chơi, luật chơi và chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để tiến hành trò chơi. Tổ chức tốt trò chơi học tập không chỉ làm cho các em hứng thú hơn trong học tập mà còn giúp các em mạnh dạn, tự tin thể hiện bản thân hơn. Khi tổ chức trò chơi cần tạo điều kiện để tất cả học sinh đều được tham gia chơi, được cùng tham gia đánh giá, phản biện lẫn nhau để phát triển các năng lực phẩm chất ở các em. Muốn tạo hứng thú cho học sinh bên cạnh đa dạng hình thức tổ chức trò chơi, giáo viên phải sắp xếp các câu hỏi tăng dần mức độ khó để kích thích sự tò mò của các em. Việc tổ chức trò chơi toán học là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, giáo viên phải có biện pháp tổ chức trò chơi phù hợp thì mới đạt được hiệu quả như mong đợi. Trên đây là báo cáo biện pháp của tôi, kính mong hội đồng khoa học góp ý, bổ sung cho biện pháp của bản thân tôi được hoàn thiện và có hiệu quả thiết thực hơn, góp phần thực hiện thành công việc tổ chức trò chơi toán học lớp 3 nói riêng và môn Toán Tiểu học nói chung. Lệ Thủy, ngày 10 tháng 3 năm 2021 Xác nhận của BGH nhà trường Giáo viên Lê Thị Ngọc Bích