SKKN Kinh nghiệm tổ chức Chuyên đề trong trường tiểu học

doc 5 trang vanhoa 4831
Bạn đang xem tài liệu "SKKN Kinh nghiệm tổ chức Chuyên đề trong trường tiểu học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docskkn_kinh_nghiem_to_chuc_chuyen_de_trong_truong_tieu_hoc.doc

Nội dung tóm tắt: SKKN Kinh nghiệm tổ chức Chuyên đề trong trường tiểu học

  1. KINH NGHIỆM TỔ CHỨC CHUYÊN ĐỀ TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC I. SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC THỰC HỆN SÁNG KIẾN: Giáo dục Tiểu học là cấp học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân. Do vậy người giáo viên Tiểu học có vị trí, vai trò quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ có kiến thức, kĩ năng và phát triển toàn diện. Muốn đạt được mục tiêu này trước hết người quản lý cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh. Có nhiều con đường để bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên như: cử giáo viên đi học các lớp đại học, cao đẳng, thao giảng khối, tổ chức chuyên đề Trong đó tổ chức chuyên đề là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động chuyên môn của trường tiểu học. Các chuyên đề tập trung triển khai thường là những vấn đề mới và tìm giải pháp khắc phục, những vấn đề khó nảy sinh trong quá trình dạy học. Những vấn đề khó có thể là vướng mắc của thầy khi dạy hoặc những sai lầm thường mắc của trò khi học. Đó cũng là lí do tôi thực hiện đề tài này. II. PHẠM VI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN: Đề tài này đã áp dụng từ năm học 2010-2011, 2011-2012. Được sự đóng góp ý kiến của đồng nghiệp đang được áp dụng trong trường Tiểu học A Khánh Bình Tây trong năm học 2012-2013. III. MÔ TẢ SÁNG KIẾN: 1. Thực trạng: Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn tôi thường xuyên động viên, khuyến khích việc học và tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên. Mặc dù, giáo viên của chúng ta hiện nay hầu hết có văn bằng đạt chuẩn, trên chuẩn và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ khá vững vàng. Song không phải lúc nào kiến thức, kĩ năng sư phạm cũng đáp ứng được tất cả những tình huống dạy học và các mối quan hệ xã hội. Chưa kể đến một vài giáo viên còn có nhiều hạn chế trên từng vấn đề cụ thể cần khắc phục. Hơn nữa, đổi mới để phát triển là điều tất yếu trong mọi lĩnh vực cuộc sống, nó càng đặc biệt quan trọng hơn trong công tác giáo dục đào tạo hiện nay. Vì vậy, việc không ngừng học tập vươn lên để nhận thức là điều không thể thiếu đối với người làm nghề dạy học. Nếu không học tập để phát triển kiến thức và tư duy theo hướng đổi mới, hiện đại thì đến một lúc nào đó, khi không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, thì có thể chúng ta sẽ bị đào thải. Ý thức được điều đó, các giáo viên đã tích cực hơn trong việc học tập, nâng cao trình độ và tự học tự bồi dưỡng. Song, còn có những tồn tại khó khăn như: Việc học ở các lớp tại chức cũng như các lớp bồi dưỡng chủ yếu là nghe và tiếp nhận thông tin theo phương pháp truyền thống, ít có thực hành, thực tế nên dễ quên khó nhớ. Ngay cả người dự học cũng chịu ảnh hưởng từ truyền thống này nên ngại tham gia thực hành và nếu có làm cũng chưa đạt mức tối đa. Chính vì vậy để bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên có hiệu quả tôi tổ chức các buổi thao giảng chuyên đề trong nhà trường. Qua chuyên đề giúp giáo viên trực tiếp giảng dạy tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong chuyên đề. Chuyên đề còn là nơi giáo viên bộc lộ được năng lực và trình độ chuyên môn, trình độ quản lý trong các nhà trường. Bởi vì qua chuyên đề giáo viên trong nhà trường có cơ hội học tập, trao đổi với đồng nghiệp những kinh nghiệm hay trong giảng dạy và giáo dục học sinh. Đó là những bài học sư phạm hết sức thiết thực.
  2. 2. Quy trình xây dựng chuyên đề: Thông thường quy trình thực hiện một chuyên đề như sau: Xây dựng kế hoạch Tổ chức thực hiện Kiểm tra đánh giá Bài học kinh nghiệm. 2.1. Xây dựng kế hoạch: 2.1.1. Việc lựa chọn chuyên đề: Đây là giai đoạn khá quan trọng quyết định sự thành công của chuyên đề. Những vấn đề đưa ra phải thực sự “ thiết thực, cấp bách ”, là vướng mắc mà giáo viên đang cần tháo gỡ trong chuyên môn. Chuyên đề phải xuất phát từ nhu cầu của các tổ chuyên môn, giáo viên. Không nên tổ chức hàng loạt chuyên đề mà không thật sự cần thiết làm lãng phí thời gian và công sức của giáo viên và học sinh. Những chuyên đề có thể là: * Nội dung mới được triển khai trong năm ( giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục kĩ năng sống, cách lồng ghép vào các môn các bài có địa chỉ lồng ghép qui định trong chương trình; dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, * Nội dung khó giáo viên và học sinh còn vướng mắc trong năm trước. * Nội dung chuyên đề đã thực hiện nhưng chưa giải quyết dứt điểm hoặc chưa đem lại hiệu quả (cách sử dụng ĐDDH như thế nào để đạt được hiệu quả ). Khi lựa chọn chuyên đề giải quyết những vấn đề khó, ta không nên lựa chọn tên chuyên đề quá rộng, chung chung. Tên chuyên đề cần tường minh cụ thể. Nên chọn: “Nâng cao hiệu quả dạy học toán có lời văn ở lớp 4” và không nên chọn “Nâng cao hiệu quả dạy học toán lớp 4”. Tên chuyên đề thứ nhất cụ thể phạm vi hợp lý, chuyên đề thứ hai phạm vi rộng nên sự thành công của chuyên đề rất khó. 2.1.2. Việc lựa chọn người thực hiện: Tôi chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng để giao nhiệm vụ viết báo cáo và dạy minh hoạ chuyên đề. Phân công hợp lý theo sở trường và thế mạnh của giáo viên nhằm đạt hiệu quả cao nhất của chuyên đề. 2.1.3. Việc lựa chọn thời điểm tổ chức chuyên đề: Thời gian tổ chức chuyên đề cần phù hợp với nội dung chương trình giảng dạy. Có những chuyên đề ta có thể tổ chức bất kì thời điểm nào trong năm học nhưng cũng có chuyên đề phải tổ chức theo mạch kiến thức mới. 2.1.4. Triển khai thực hiện: Đầu năm sau khi các tổ chuyên môn họp bàn bạc, thảo luận các chuyên đề cần tổ chức trong năm tôi lên kế hoạch tổ chức các chuyên đề và thông báo đến các tổ chuyên môn nắm chắc kế hoạch thực hiện. 2.2. Tổ chức thực hiện chuyên đề: 2.2.1. Việc chuẩn bị nội dung: Khi xây dựng nội dung chuyên đề cần tập trung làm rõ các vấn đề sau: Sự cần thiết của chuyên đề; Mục đích của chuyên đề; Nội dung, phương pháp; Những khó khăn vướng mắc của giáo viên trong giảng dạy; Các giải pháp tháo gỡ. Ban giám hiệu nhà trường cùng các tổ trưởng chuyên môn tiến hành xây dựng nội dung và tham gia đóng góp ý kiến vào báo cáo chuyên đề. Trong quá trình báo cáo
  3. chuyên đề, Ban giám hiệu và hội đồng sư phạm sẽ đưa ra những ý kiến, bổ sung, chỉnh lý sửa chữa giúp chuyên đề hoàn thiện hơn, khả thi hơn. 2.2.2. Việc báo cáo lý thuyết và dạy minh hoạ: Người được phân công viết báo cáo chuyên đề sau khi được đóng góp ý kiến sẽ trực tiếp báo cáo chuyên đề với các thành viên trong nhà trường hoặc trong tổ chuyên môn. Dạy minh hoạ: Đây là hoạt động thực tế nhằm làm sáng tỏ và minh chứng cho những vấn đề đã được trình bày trong báo cáo và nhằm giải quyết những vấn đề thực tế trong giảng dạy. Bài dạy minh hoạ chuyên đề cần lựa chọn tiêu biểu, phù hợp. Khi dạy minh hoạ giáo viên cần mạnh dạn đổi mới phương pháp, đổi mới hình thức tổ chức dạy học và giờ dạy cần đảm bảo tính thống nhất cao với lý thuyết đã trình bày. Khi dạy chuyên đề người ta thường hay tổ chức dạy thử, đánh giá rút kinh nghiệm trước cho giáo viên, thậm chí còn mượn học sinh khá giỏi ở các lớp khác. Làm như thế thì giáo viên không nhìn nhận được những tồn tại, những khó khăn thực tế và cũng không đưa ra được những giải pháp cá nhân mà họ cho là khả thi, là hiệu quả. Bởi vậy, khi dạy minh hoạ tốt nhất là cứ để cho giáo viên dạy bình thường như thường ngày. Đây là một kinh nghiệm mà trong quá trình thực hiện tôi tâm đắc. Mỗi khi giáo viên lên lớp ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc đặc trưng của từng môn, phân môn. Khi sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, thì mỗi giáo viên lại có những uyển chuyển, linh hoạt trong sử dụng phương pháp, có những tình huống ứng xử sư phạm riêng không giống nhau. Bên cạnh đó, họ cũng bộc lộ những nhược điểm, những tồn tại cá nhân trong các hoạt động dạy học. Tất cả những điều đó sẽ được tập thể ghi nhận và nhận xét, đánh giá sau đó rút ra bài học chung. Đây mới chính là mục đích chính của chuyên đề. Chính vì vậy, việc dự giờ, nhận xét, rút kinh nghiệm giờ dạy của đồng nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng đối với mỗi giáo viên và nhà trường vì: - Dự giờ đồng nghiệp để được học tập về chuyên môn, nghiệp vụ. - Rút ra được những kinh nghiệm quý trong quá trình dạy và học. - Bổ sung, hoàn thiện từng bài dạy cụ thể và tổng quát cho từng môn học. - Kiểm tra được quá trình học tập và tiếp thu kiến thức của học sinh. - Đánh giá được năng lực giảng dạy của từng giáo viên và chất lượng học tập của mỗi lớp tại thời điểm đó. - Là căn cứ để lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn điều chỉnh kịp thời quá trình giảng dạy của giáo viên và quá trình học tập của học sinh. 2.2.3. Thảo luận: Đây là khâu cuối cùng trong dự giờ, nhận xét, rút kinh nghiệm giờ dạy của giáo viên, cần cân nhắc kỹ càng, nhận xét, rút kinh nghiệm chỉ ra những ưu điểm cần phát huy và tìm ra những hạn chế để khắc phục, cách khắc phục như thế nào? Đây là điểm quan trọng nhất trong quá trình thảo luận. Tránh lối nhận xét, qua loa đại khái hoặc nhận xét khắt khe, thành kiến đối với bài dạy của giáo viên và khả năng học tập của học sinh. Bởi tất cả các hoạt động giáo dục trong nhà trường đều nhằm đạt đến cái đích cuối cùng là chất lượng dạy và học. Trước tiên người thực hiện chuyên đề sẽ bày tỏ ý kiến của mình qua việc triển khai chuyên đề. Nội dung dạy học nào mình đã thực hiện tốt ? Nội dung dạy học nào chưa đạt theo yêu cầu ? Vì sao? Các thành viên dự chuyên đề cho ý kiến nhận xét về lý thuyết cũng như giờ dạy các ý kiến tập trung làm sáng tỏ:
  4. * Về lý thuyết: Lý luận và thực trạng của vấn đề đưa ra đã thực sự thuyết phục người nghe chưa? Những biện pháp nhằm tháo gỡ điểm khó, vướng mắc đã hợp lý chưa? Còn phân vân hoặc chưa sáng tỏ ở nội dung nào? Cần điều chỉnh nội dung nào? * Về tiết minh hoạ: Tập trung nhận xét về nội dung, phương pháp, hình thức, hiệu quả tiết dạy (có thể khảo sát học sinh, điều tra ), giờ dạy đã thể hiện được mục đích của chuyên đề hay chưa? Biện pháp tháo gỡ khó khăn phần lý thuyết đưa ra đã thể hiện trong tiết dạy như thế nào, hiệu quả ra sao? Chuyên đề có thể áp dụng được hay không? Thực tế, bước này rất quan trọng trong mắt xích tổ chức chuyên đề. Nếu làm qua loa sẽ không đem lại hiệu quả tích cực. Vì vậy người điều khiển thảo luận phải vững vàng về chuyên môn và có sự ứng xử nhạy bén, thân thiện thì mới khơi dậy được những ý kiến tâm huyết của tập thể giáo viên. Cuối cùng, Ban giám hiệu hội ý với tổ trưởng chuyên môn trả lời một số ý kiến chưa thống nhất và đưa ra chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. 2.2.4 Áp dụng chuyên đề vào giảng dạy: Khi áp dụng chuyên đề trong giảng dạy giáo viên cần linh hoạt, sáng tạo biết tự điều chỉnh sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp. Tránh áp dụng một cách máy móc sẽ không mang lại hiệu quả tích cực. Và đặc biệt trong quá trình áp dụng, giáo viên thấy khó khăn cần có ý kiến với tổ, khối chuyên môn để cùng bàn bạc tháo gỡ. 3. Việc kiểm tra: Việc kiểm tra chuyên đề bắt đầu từ khi lập kế hoạch và được thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình triển khai và áp dụng. Qua mỗi lần kiểm tra, người được kiểm tra sẽ nhận được những lời nhận xét, góp ý của đồng nghiệp để rút kinh nghiệm, thực hiện áp dụng tốt hơn. Chúng ta có thể tổ chức kiểm tra như: Giáo viên tự đánh giá việc thực hiện và áp dụng chuyên đề của bản thân; Giáo viên kiểm tra chéo giáo viên; Ban giám hiệu nhà trường, các tổ trưởng chuyên môn cần tăng cường dự giờ kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm đối với các thành viên trong nhà trường đưa ra những giải pháp bổ sung để thực hiện, tháo gỡ vướng mắc mới nảy sinh để kịp thời điều chỉnh. 4. Rút ra kinh nghiệm: Rút kinh nghiệm chuyên đề không thể thiếu trong quá trình thực hiện. Khi rút kinh nghiệm cần chỉ rõ những ưu điểm của chuyên đề để tiếp tục phát huy và tìm những nhược điểm của chuyên đề để khắc phục kịp thời. Chuyên đề được đánh giá tốt khi chuyên đề đó giải quyết được vấn đề khó, vướng mắc và góp phần nâng cao chất lượng dạy học. IV. KẾT QUẢ, HIỆU QUẢ MANG LẠI: 1. Kết quả: Trong các năm học qua, khi vận dụng những phương pháp này vào việc tổ chức các buổi chuyên đề trong nhà trường, tôi thấy rất khả thi. Giáo viên được tiếp cận nhiều phương pháp tích cực, nhiều hình thức tổ chức lớp học thân thiện, hiệu quả. Điều quan trọng là chất lượng học sinh qua các thời điểm cao và khá ổn định. Kết quả xếp loại giáo dục qua các năm như sau: Xếp loại NĂM HỌC TSHS Giỏi % Khá % TB % Yếu % 2010-2011 588 155 25.8 203 33.9 219 36.5 23 3.8 2011-2012 606 181 29.87 245 40.43 180 29.70 2012-2013 610 177 29.2 258 42.3 175 28.69
  5. Giờ dạy của giáo viên không còn rập khuôn như trong sách giáo viên mà trở nên linh động, sáng tạo hơn nhiều. Tình hình thao giảng, dự giờ, các tiết xếp loại tốt cũng dần được nâng lên. Bảng thống kê sau đây sẽ chứng minh điều đó: * Thao giảng: Xếp loại Năm học Số tiết dự Tốt % Khá % TB % CĐ % 2010-2011 40 33 82.5 7 17.5 2011-2012 50 40 80 10 20 2012-2013 60 55 91.6 5 8.4 Đến nay, năng lực sư phạm của giáo viên ngày một nâng cao, các thầy cô đã tự tin hơn khi lên lớp dù có người dự giờ đột xuất. Giáo viên đã hoàn toàn làm chủ giờ dạy của mình, nắm rõ phương pháp đặc trưng của từng bộ môn. 1.1. Thành tích giáo viên: * Năm học 2010- 2011 Có 5/5 giáo viên đạt viết chữ đẹp cấp huyện (3 giải Ba, 2 giáo viên được công nhận) * Năm học 2011- 2012 có 5/6 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp huyện. 2/2 giáo viên giỏi cấp tỉnh. * Năm học 2012- 2013 đạt 1/1 giáo viên giỏi cấp huyện; 4/5 giáo viên đạt viết chữ đẹp cấp huyện. đạt 1/1 giáo viên viết chữ đẹp cấp tỉnh. 1.2. Thành tích học sinh: * Năm học 2010- 2011 có 10/12 đạt học sinh giỏi cấp huyện. * Năm học 2011- 2012 có 5/12 học sinh đạt giải Olympic Tiếng Việt, Toán tuổi thơ cấp huyện. 1/1 học sinh đạt giải Olympic Tiếng Việt, Toán tuổi thơ cấp tỉnh. * Năm học 2012- 2013 có 9/12 học sinh đạt giải Olympic Tiếng Việt, Toán tuổi thơ cấp huyện. 9/10 Học sinh đạt giải viết chữ đẹp cấp huyện; 3/4 Học sinh đạt giải viết chữ đẹp cấp tỉnh. Lần đầu tiên trường tham gia thi Olympic Tiếng Anh cấp huyện có 3/6 học sinh đạt giải. V. ĐÁNH GIÁ VỀ PHẠM VI ẢNH HƯỞNG CỦA SÁNG KIẾN: Sáng kiến này có phạm vi ảnh hưởng trong các nhà trường Tiểu học, có thể áp dụng cho tất cả các trường, đặc biệt những trường ở vùng sâu, xa, những nơi điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. VI. KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT Với một ít kinh nghiệm có được trong quá trình quản lý chuyên môn tôi hy vọng được các đồng nghiệp, các cán bộ quản lý có nhiều kinh nghiệm góp ý thêm để đề tài tôi được hoàn thiện hơn và được phổ biến rộng rãi. Khánh Bình Tây, ngày 10 tháng 3 năm 2011 Người viết XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ Đoàn Văn Gụ