SKKN Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học tập viết nhằm nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp Một
Bạn đang xem tài liệu "SKKN Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học tập viết nhằm nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp Một", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- skkn_ung_dung_cong_nghe_thong_tin_vao_day_hoc_tap_viet_nham.doc
Nội dung tóm tắt: SKKN Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học tập viết nhằm nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp Một
- BÁO CÁO BIỆN PHÁP “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO DẠY HỌC TẬP VIẾT NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHỮ VIẾT CHO HỌC SINH LỚP MỘT” 1. Lý do chọn biện pháp: Tiếng Việt là môn học nền tảng, cơ bản ở bậc Tiểu học. Trong đó Tập viết là một phân môn có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là đối với học sinh lớp Một. Nếu Học vần, Tập đọc giúp cho việc rèn luyện năng lực đọc thông thì Tập viết giúp rèn luyện năng lực viết thạo. Kỹ năng viết tốt là tiền đề giúp học tốt các môn khác. Ngoài ra, Tập viết còn góp phần quan trọng vào việc rèn luyện cho học sinh những phẩm chất đạo đức tốt như tính cẩn thận, tinh thần kỉ luật và óc thẩm mĩ. Tuy nhiên, để viết chữ đúng và đẹp đối với học sinh tiểu học là điều thật không dễ dàng và nó lại càng khó khăn hơn đối với học sinh lớp Một. Bước vào lớp Một, các em rất bỡ ngỡ bởi sự thay đổi về môi trường, phương pháp học tập. Mặt khác, độ tuổi các em vừa mới bước qua lớp mẫu giáo, nhận thức của các em không đều. Nhiều em ham chơi, chưa có khái niệm về học tập cũng như sự tự giác đối với việc học, một số em nhỏ bé, thể trạng yếu, cảm giác tay chưa có lực, cầm bút nhanh mỏi, sinh ra tâm lý chán nản, sợ học. Năm học 2020 - 2021 tôi được phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 1A với sĩ số 27 em, trong đó có 13 nữ và 14 nam. Vào cuối tháng 9, tôi đã tiến hành khảo sát kĩ năng viết của các em học sinh trong lớp. Kết quả khảo sát cho thấy số học sinh viết đúng, đều, đẹp còn rất ít (2/27 em, tỷ lệ 7,4%), phần lớn kĩ năng viết của học sinh còn hạn chế cụ thể như sau: + Sai điểm đặt bút, điểm dừng bút: 19/27 em, tỷ lệ 70,4% + Sai về độ cao, độ rộng: 16/27 em, tỷ lệ: 59,3% + Sai về khoảng cách các con chữ: 15/27 em, tỷ lệ: 55,6% + Sai lỗi đặt dấu thanh: 16/27 em, tỷ lệ: 59,3% + Sai lỗi thiếu nét, thừa nét: 16/27 em, tỷ lệ: 59,3% + Sai lỗi chính tả: 18/27 em, tỷ lệ: 66,7% + Tốc độ chưa đảm bảo: 15/27 em, tỷ lệ: 55,6% + Tư thế ngồi viết chưa đúng: 18/27 em, tỷ lệ: 66,7% Chính điều này làm ảnh hưởng không ít đến chất lượng học tập môn Tiếng Việt nói riêng và các môn học khác nói chung. Là một người giáo viên đang trực tiếp giảng dạy lớp Một, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giúp các em viết đúng, viết đẹp, hứng thú hơn với hoạt động Tập viết mà lại có thể giảm được áp lực cho giáo viên và học sinh? Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng học tập của các em với môn Tiếng Việt và tất cả các môn học khác. Trong thời đại 4.0 hiện nay, việc giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động giảng dạy nói chung và dạy học học Tập viết nói riêng không những kích thích sự
- hứng thú của học sinh, sự tập trung của cả lớp mà còn hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong việc truyền tải kiến thức. Việc đưa CNTT vào quá trình dạy học cũng giúp học sinh thuận tiện hơn khi nhận xét, đánh giá bạn với những minh chứng cụ thể, giúp các em có thể tự sửa sai chính lỗi của mình. Chính vì những điều đó, mặc dù có nhiều biện pháp để rèn kỹ năng viết cho các em nhưng tôi tâm đắc nhất là biện pháp: “Ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học Tập viết nhằm nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp Một”. 2. Mục đích của biện pháp: Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với học sinh lớp Một. Theo quy định của Chương trình GDPT mới, thời lượng thực hiện chương trình Tiếng Việt 2018 ở lớp Một là 420 tiết (12 tiết/tuần). Trong đó chương trình Tập viết gồm có: Học kì I: Sau mỗi bài học vần học sinh được luyện viết chữ các em vừa học và cuối mỗi tuần có 2 tiết Tập viết. Học kì 2: Mỗi tuần có một bài Tập viết tô các chữ hoa, viết từ ngữ và câu ứng dụng chứa chữ hoa. Như vậy, thời gian dành để rèn kỹ năng viết là không nhiều, trong đó chia ra thời gian dành cho giáo viên viết mẫu, hướng dẫn viết, nhận xét bài viết của học sinh và còn lại là học sinh thực hành viết. Mà kỹ năng nào cũng vậy, cần được luyện tập, thực hành nhiều mới trở nên thành thạo và đạt yêu cầu như mong muốn. Chính vì vậy, tôi xin đề xuất và thực hiện một số biện pháp cụ thể của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy và học phân môn Tập viết lớp Một giúp học sinh khắc phục các lỗi sai cơ bản học sinh thường mắc phải như điểm đặt bút, điểm dừng bút, độ cao, độ rộng, khoảng cách các con chữ, lỗi đặt dấu thanh, lỗi thiếu nét, thừa nét, lỗi chính tả, chưa biết cách trình bày, tốc độ chưa đảm bảo, tư thế ngồi viết, Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học sẽ kích thích sự hứng thú của học sinh. Từ đó, học sinh sẽ chủ động cùng giáo viên khám phá nội dung bài học, giúp các em tiếp thu bài một cách dễ dàng, nhanh chóng và tạo cho học sinh thói quen tư duy và tập trung cao độ. Kĩ năng ngồi đúng tư thế, viết đúng, viết đẹp sẽ giúp cho các em có cơ thể cân đối, khỏe mạnh, rèn luyện cho các em đức tính cẩn thận, tính kỉ luật và thẩm mĩ, góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cần có của người học sinh. Qua đó, nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác. 3. Cách tiến hành biện pháp “Ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học Tập viết nhằm nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp Một”. Việc ứng dụng CNTT vào dạy học Tập viết là một biện pháp phù hợp với xu thế, mang lại nhiều hiệu quả cho học sinh. Vậy nên, tôi đã áp dụng để nâng cao chất lượng chữ viết của học sinh. Cụ thể tôi tiến hành như sau:
- Thứ nhất, ứng dụng CNTT để giới thiệu các khái niệm thường được sử dụng trong Tập viết. Tôi nhận thấy rằng, khó khăn nhất đối với các em học sinh khi mới bước vào lớp Một là việc xác định đường kẻ, dòng kẻ, điểm đặt bút, Những khái niệm này quá trừu tượng và khó hiểu đối với các em nên đòi hỏi giáo viên phải sử dụng phương pháp trực quan để các em dễ hình dung hơn. Thông thường, để học sinh nắm được các khái niệm này giáo viên thường mô phỏng lại ở trên bảng lớp. Tuy nhiên việc làm này thường mất không ít thời gian của giáo viên, mà giáo viên còn bị phụ thuộc về thời gian, không gian dạy học. Mặt khác, các em ngồi xa bảng lớp và dãy hai bên sẽ rất khó nhìn rõ các dòng kẻ, đường kẻ. Vì thế tôi đã chuẩn bị sẵn hình ảnh minh họa về đường kẻ, dòng kẻ, ở máy tính rồi chiếu lên cho học sinh xem thì các em sẽ dễ hình dung hơn. Việc chiếu lên màn hình ti vi giúp học sinh dù ngồi ở vị trí nào cũng nhìn thấy dễ dàng. Lúc cần thiết, giáo viên có thể phóng to, thu nhỏ hay sử dụng một số hiệu ứng để thu hút sự tập trung của các em. Không những thế, với tài liệu đã chuẩn bị, trong các tiết học tiếp theo tôi có thể sử dụng để chữa bài cho các em mắc lỗi về điểm đặt bút, độ cao, độ rộng, như vậy sẽ giảm bớt được thời gian chuẩn bị. Nhờ đó, tiết dạy trở nên nhẹ nhàng hơn. Thứ hai, ứng dụng CNTT vào quá trình hướng dẫn quy trình, kĩ thuật viết. Kỹ năng viết là một trong số những kỹ năng khó, đòi hỏi giáo viên phải làm mẫu, hướng dẫn kĩ càng để các em hiểu và bắt chước theo đúng mẫu. Việc viết mẫu của giáo viên là một thao tác trực quan trên bảng lớp giúp học sinh nắm bắt được quy trình viết từng nét, từng chữ cái. Giáo viên viết thế nào thì học sinh viết như thế đó, đặc biệt là lứa tuổi học sinh lớp Một. Vì thế, giáo viên thường coi trọng việc trình bày bảng, coi đó là trang viết mẫu mực của mình cho học sinh noi theo. Giáo viên phải viết chậm, đúng theo quy tắc viết chữ, vừa giảng giải vừa phân tích cho học sinh: Đặt bút ở điểm nào? Cách đưa bút như thế nào? Thứ tự các nét ra sao? Điểm dừng bút? Dấu phụ, dấu thanh viết thế nào cho đúng, đẹp, khoảng cách, độ rộng của các con chữ như thế nào? Khi viết mẫu, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh nhìn thấy cách viết từng nét chữ. Tuy nhiên, để viết mẫu đảm bảo được tất cả các yêu cầu: đẹp, đúng, nhanh và tất cả học sinh phải được quan sát rõ ràng thì không phải giáo viên nào cũng thực hiện tốt. Giáo viên phải chọn tư thế viết phù hợp để không che khuất tầm nhìn của bất kì một em nào, thậm chí giáo viên phải viết hai lần cùng một mẫu để các em ngồi vị trí hai bên cùng của lớp có thể quan sát được. Như vậy khá mất thời gian và hiệu quả không được cao. Để khắc phục điều đó, tôi đã sử dụng máy tính có kết nối với chiếc ti vi để hướng dẫn quy trình viết cho các em. Khi trình chiếu video hướng dẫn quy trình viết
- ở ti vi thì tất cả các em học sinh đều quan sát được, không bị che khuất tầm nhìn và kích thích sự chú ý tập trung của các em để nghe cô giáo hướng dẫn. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là giáo viên không cần viết mẫu nữa, mà có thể lần 1 học sinh sẽ quan sát bài viết mẫu ở trên ti vi, lần 2 sẽ quan sát giáo viên viết. Như vậy vừa đảm bảo trực quan vừa kích thích được hứng thú cho học sinh. Ví dụ: Bài 4D: t, th Ở hoạt động viết để hướng dẫn học sinh viết hai chữ t, th tôi thực hiện như sau: Đầu tiên tôi chiếu chữ mẫu cho học sinh quan sát, nhận xét cấu tạo chữ. Tiếp theo, chiếu lần lượt video viết chữ t, th cho học sinh xem quy trình viết. Sau đó tôi vừa viết mẫu vừa hướng dẫn quy trình ở bảng lớp, khi học sinh đã nắm được các nét, độ cao, độ rộng và quy trình viết hai chữ trên thì tôi tổ chức cho các em viết vào bảng con. Giáo viên có thể phối hợp giữa việc sử dụng mẫu chữ viết sẵn trong bộ đồ dùng dạy học và video hướng dẫn quy trình viết để các em quan sát rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn và tiết kiệm thời gian cho các em được thực hành viết nhiều hơn. Khi học sinh đã nắm được cách viết các nét cơ bản, các chữ cái và các tiếng đơn giản, các em có thể tự tin hơn để viết các tiếng, từ mới, câu và đoạn văn. Thứ ba, ứng dụng CNTT vào quá trình nhận xét, đánh giá. Sau hoạt động thực hành viết của học sinh, giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh nhận xét, đánh giá bài viết của các bạn. Giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp, hình thức đánh giá nhưng mục đích chung là giúp học sinh chỉ ra chỗ đúng, chỗ chưa đúng và cách sửa chữa. Trong quá trình hướng dẫn nhận xét, đánh giá bài viết của học sinh, giáo viên sẽ chữa những lỗi học sinh sai phổ biến, hướng dẫn kỹ lại cách viết của chữ cái đó để học sinh khắc sâu cách viết một lần nữa. Tuy nhiên, nếu sử dụng vở học sinh (đặt ở bảng lớp) để học sinh quan sát trực quan thì những học sinh ngồi ở xa bảng sẽ khó để nhìn thấy và nhận ra lỗi sai. Mặt khác nếu giáo viên nhận xét cho từng bạn thì sẽ mất khá nhiều thời gian. Cho nên, tùy vào thời điểm, căn cứ vào lỗi sai của học sinh (sai chung của nhiều em hay sai cá nhân) để lựa chọn hình thức đánh giá, nhận xét và điều chỉnh, sửa sai kịp thời. Nếu lỗi sai đó chỉ gặp ở một vài em, thì giáo viên sẽ điều chỉnh riêng cho từng bạn. Còn nếu đó là lỗi sai chung, thường gặp của nhiều em thì việc ứng dụng CNTT vào việc nhận xét, sửa sai có thể là lựa chọn tối ưu nhất. Cách thực hiện, giáo viên chụp lại bài của học sinh có lỗi sai phổ biến, kết nối với máy tính và đưa lên màn hình ti vi. Ở đó giáo viên có thể phóng to để học sinh nhìn thấy hoặc trực tiếp sửa sai bằng mực đỏ. Như vậy học sinh sẽ dễ dàng quan sát và tránh lãng phí thời gian của tiết học. Ví dụ: Tiết tập viết tuần 5
- Qua quan sát quá trình thực hành viết của học sinh tôi thấy phần lớn học sinh viết nét khuyết trên của chữ “ch” chưa chính xác. Tôi đã chụp ảnh bài viết của một em chiếu lên màn hình tivi. Các em nhận xét bài viết của bạn, sau đó tôi kết luận và sửa sai cho học sinh. Giáo viên cũng có thể chụp lại những bài viết đẹp, chiếu lên màn hình ti vi để cả lớp cùng tham khảo. Qua đó, gợi lên ở các em lòng say mê, ham thích luyện viết chữ đẹp. Việc đưa bài viết của học sinh chiếu trực tiếp cho học sinh xem có thể được thực hiện bằng 2 cách: sử dụng dây rắc kết nối giữa điện thoại với máy tính, sử dụng phần mềm của Google (nếu có mạng wifi). Việc trình chiếu bài viết của các em có nhiều tác dụng. Các em nhận ra mức độ đạt được của bản thân, tự sữa lỗi sai của mình, đánh giá nhận xét bài viết của bạn và giúp bạn khắc phục lỗi. Bằng những minh chứng cụ thể, giáo viên giúp học sinh nhận ra lỗi sai, khích lệ, động viên học sinh tiến bộ, các em học sinh càng thêm tự tin vào bản thân và nhận ra những tồn tại cần khắc phục, có hứng thú hơn với những bài tập viết. Thứ tư, ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ phụ huynh trong việc hướng dẫn con em mình. Đặc điểm của học sinh lớp Một là các em “dễ nhớ nhanh quên”; vì vậy việc rèn luyện chữ viết đúng, đẹp cần được thực hiện thường xuyên và liên tục. Ngoài sự dạy dỗ và chỉ bảo của giáo viên thì sự quan tâm, giúp đỡ từ phía ba mẹ khi các em ở nhà cũng đóng một vai trò không nhỏ vào sự tiến bộ của các em. Ngay từ đầu năm học, tôi đã lập nhóm Zalo, Messenger phụ huynh của lớp. Thông qua ứng dụng này tôi đã chia sẻ với phụ huynh hình ảnh chữ mẫu, các video hướng dẫn viết chữ, đồng thời trao đổi thêm với phụ huynh về những lỗi sai thường gặp của các em, chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân trong quá trình luyện chữ, để phụ huynh nắm bắt, giúp đỡ động viên các em kịp thời. Đối với học sinh còn hạn chế, tôi cũng sử dụng tin nhắn qua Zalo, Messenger cá nhân để thông báo kết quả của các em và phối hợp với phụ huynh giúp đỡ các em. Việc làm này giúp tiết kiệm thời gian trao đổi thông tin giữa giáo viên và phụ huynh. 4. Kết quả đạt được: Sau một học kì ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học Tập viết, học sinh lớp của tôi giảng dạy và chủ nhiệm đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Cụ thể kết quả khảo sát cuối học kỳ 1 như sau: + Viết đúng, đều, đẹp: 18/27 em, tỷ lệ 66,7%, + Sai điểm đặt bút, điểm dừng bút: 03/27 em, tỷ lệ 11,1% + Sai về độ cao, độ rộng: 06/27 em, tỷ lệ: 22,2% + Sai về khoảng cách các con chữ: 05/27 em, tỷ lệ: 18,5% + Sai lỗi đặt dấu thanh: 06/27 em, tỷ lệ: 22,2%
- + Sai lỗi thiếu nét, thừa nét: 03/27 em, tỷ lệ: 11,1% + Sai lỗi chính tả: 06/27 em, tỷ lệ: 22,2% + Tốc độ chưa đảm bảo: 03/27 em, tỷ lệ: 11,1% + Tư thế ngồi viết chưa đúng: 03/27 em, tỷ lệ: 11,1% Nhìn vào số liệu, so với cuối tháng 9 chúng ta đều thấy tỉ lệ học sinh viết đúng, viết đẹp tăng lên rõ rệt, học sinh viết còn mắc các lỗi có chiều hướng giảm. Các em đã ngồi viết đúng tư thế, cầm bút đúng cách, nắm được cấu tạo chữ và quy trình viết, nắm chắc điểm đặt bút, điểm dừng bút, độ cao, độ rộng, khoảng cách giữa các con chữ, khắc phục được lỗi sai về thừa, thiếu nét, lỗi sai về vị trí dấu thanh, cách trình bày, viết đảm bảo tốc độ. Không chỉ vậy, các em còn nắm chắc quy tắc viết các tiếng mở đầu bằng các chữ c, k, q; g, gh; ng, ngh. Một số em còn biết viết chữ hoa và trình bày bài viết sáng tạo. Với việc áp dụng các biện pháp trên vào phần tập viết, không chỉ giúp học sinh rèn kỹ năng viết đúng, đẹp mà còn góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho các em như năng lực thẩm mĩ, thể chất, rèn luyện cho các em đức tính cẩn thận, tính kỉ luật biểu hiện qua việc các em nắn nót viết từng con chữ. Kĩ năng viết tiến bộ đã góp phần nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt. Kết thúc học kỳ 1, 100% học sinh lớp tôi biết giữ vở sạch chữ đẹp. Để hoạt động dạy học thực sự đạt được kết quả như mong muốn, người giáo viên phải sáng tạo và vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp dạy học khác nhau. Trong đó, ứng dụng CNTT vào dạy học nói chung và dạy học Tập viết nói riêng đã mang lại hiệu quả vô cùng to lớn. Nó thổi một luồng gió mới, làm thay đổi không khí lớp học, giúp giáo viên nâng cao năng lực, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng tổ chức dạy học và góp phần giúp học sinh chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh tri thức. Biện pháp “Ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học Tập viết” mà bản thân tôi đã thực hiện thực sự đã nâng cao năng lực viết cho học sinh. Tôi hi vọng sáng kiến nhỏ giúp các bạn đồng nghiệp tháo gỡ khó khăn trong dạy học Tập viết, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt trong chương trình GDPT 2018. HIỆU TRƯỞNG NGƯỜI BÁO CÁO Trần Bá Tiến Nguyễn Thị Vân