Sáng kiến kinh nghiệm Lợi ích khi vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học môn Ngữ văn Trung học Cơ sở
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Lợi ích khi vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học môn Ngữ văn Trung học Cơ sở", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- sang_kien_kinh_nghiem_loi_ich_khi_van_dung_kien_thuc_lien_mo.docx
Nội dung tóm tắt: Sáng kiến kinh nghiệm Lợi ích khi vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học môn Ngữ văn Trung học Cơ sở
- LỢI ÍCH KHI VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN THCS Trong quá trình dạy học môn Ngữ Văn, tôi nhận thấy dạy học tích hợp liên môn là một trong những quan điểm giáo dục đang được quan tâm sâu sắc. Từ việc thực hiện dạy học tích hợp trong dạy học sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc góp phần hình thành, phát triển các năng lực hành động, năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh. Phương pháp dạy học tích hợp liên môn sẽ giúp các em có ý thức học tốt các bộ môn, giúp các em có khả năng vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống. Tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu, vận dụng thành công phương pháp dạy học này. Dưới đây là những chia sẻ về cách thức vận dụng và tiến hành khi dạy học tích hợp kiến thức liên môn trong môn Ngữ Văn của tôi: Trước hết, Tích hợp liên môn hiểu đơn giản là: có thể tích hợp các môn khoa học khác lại với nhau như: Lí- Hóa- Sinh, Văn- Sử- Địa. Hoặc có thể tích hợp được cả các môn tự nhiên với các môn xã hội như: Văn, Toán, Hóa, Sinh, GDCD Tuy nhiên, các môn vẫn giữ vị trí độc lập với nhau, chỉ tích hợp những phần gần nhau. Ở mức độ thấp thì việc tích hợp được thực hiện trong mối quan hệ liên môn. Những môn được học riêng rẽ nhưng cần chú ý đến những nội dung có liên quan đến các bộ môn khác, trong quá trình dạy học chỉ cần khai thác, vận dụng các kiến thức có liên quan đến bài giảng mình đang thực hiện. Khi tiến hành tích hợp kiến thức liên môn vào bài học giáo viên cần thực hiện các bước sau: - Mục tiêu dạy học: Xác định mục tiêu cần đạt của bài dạy. - Mục đích tích hợp liên môn: Qua việc tích hợp liên môn vận dụng kiến thức các môn học khác để hiểu thêm về vấn đề trong bài dạy. - Nội dung tích hợp: Xác định nội dung cần tích hợp là gì? - Kiến thức liên môn: Những môn được tích hợp trong bài dạy. - Mức độ: Tích hợp ngang, tích hợp dọc, tích hợp mở rộng. - Phương tiện hỗ trợ tích hợp: Sử dụng các phương tiện cần thiết như tranh ảnh, máy móc
- - Phương pháp: Sử dụng phương pháp dạy học trong bài. - Cách thức tích hợp: Tích hợp trong từng phần của bài dạy. Áp dụng các bước trên để xây dựng nội dung cần tích hợp trong một số bài dạy ở chương trình Ngữ Văn lớp 9 như sau: Khi dạy bài: ”Đấu tranh cho một thế giới hoà bình” có thể tích hợp kiến thức môn Lịch Sử ở bài 21 (lớp 8) nói về hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 -1945) như sau: Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật bản năm 1945 đã gây hậu quả nghiêm trọng. Chết người hàng loạt trong địa phận nổ bom. Thảm họa này được các nhà phân tích nhiều nước quan tâm phân tích từ lâu dựa vào các số liệu thu thập được từ vụ nổ bom nguyên tử năm 1945 ở Hi-ro-shi-ma, quả bom đó yếu gấp 100 lần hiện nay nhưng đã giết chết một nửa dân số thành phố, trong đó 2/3 chết ngay tại chỗ. Giúp học sinh nhớ lại và vận dụng các kiến thức lịch sử về chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai, về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam đã học trong chương trình lịch sử lớp 8, lớp 9 để thấy được mức độ thiệt hại to lớn của nó. Từ đó thấy được sự tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh và giá trị của một nền hòa bình. Rèn cho học sinh kỹ năng biết vận dụng kiến thức từ thực tế, biết phân tích đánh giá sự kiện lịch sử phục vụ bài học. Hình thành cho học sinh ý thức thái độ tích cực, yêu hoà bình, ghét chiến tranh. Cũng từ đó, qua môn Giáo dục công dân đã học ở lớp 9 bài “Bảo vệ hòa bình”, các em sẽ thấy được nghĩa vụ và quyền lợi của mình phải trung thành với Tổ quốc, làm nghĩa vụ quân sự, được giáo dục về quốc phòng và huấn luyện về quân sự; tham gia dân quân tự vệ, phòng thủ dân sự; chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền khi đất nước có tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Ở bài thứ hai, dạy bài thuyết minh về cây lúa trong chương trình Ngữ văn lớp 8 tôi đã vận dụng kiến thức liên môn để giải thích câu tục ngữ nói về cây lúa: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.”
- Lúa vụ chiêm đang thì con gái (giai đoạn tăng trưởng nhanh) khi gặp mưa giông có sấm sét thì lúa phát triển nhanh và tươi tốt hơn. Nếu giải thích dưới góc độ môn Vật lý về hiện tượng sấm, sét trong câu ca dao thì mưa giông thường diễn ra trong mùa hè, khi có mưa giông thì kèm theo hiện tượng sấm, sét. Sét là sự phóng điện giữa các đám mây tích điện trái dấu hoặc giữa đám mây với mặt đất. Khi hai đám mây tích điện trái dấu lại gần nhau, hiệu điện thế của chúng có thể lên hàng triệu vôn, giữa hai đám mây có hiện tượng phóng điện. Dòng điện phóng qua không khí trở thành plasma và phát sáng ta gọi là chớp (tức là hình ảnh của tia lửa điện). Không khí bị giản nở đột ngột tạo nên âm thanh gọi là sấm. Nếu có đám mây giông tích điện đi gần mặt đất tới những khu vực trống trải gặp các vật có độ cao như cây cối, người cầm cuốc giữa đồng thì có thể có hiện tượng phóng tia lửa điện giữa đám mây và mặt đất. Đó là hiện tượng sét đánh. Còn giải thích ở góc độ môn địa lý và Sinh vật thì đạm rất cần cho đất và là chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng đối với cây, đạm kích thích cho cây phát triển nhanh. Đạm là nguyên tố tham gia vào thành phần chính của clo-ro-phin, prôtit, các a xit amin, các en-zym và nhiều loại vi-ta-min trong cây. Đạm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, làm cho cây ra nhiều nhánh, phân cành, ra lá, lá phát triển kích thước to, quang hợp mạnh, do đó làm tăng năng suất cây trồng. Ở bài thứ ba, khi dạy bài thơ: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” Ngữ văn 9, tôi dùng kiến thức Địa lí chỉ cho học sinh xác định được con đường Trường Sơn là con đường chạy dọc từ Thanh Hoá qua Tây Nguyên đến miền Nam. Trong chiến tranh đây là con đường có địa hình trắc trở, rừng rậm, đèo cao, các anh bộ đội phải vất vả trèo đèo lội suối vào chiến trường miền Nam. Trên con đường lịch sử ấy, có những anh bộ đội Cụ Hồ, những người lính lái xe, những cô gái thanh niên xung phong dũng cảm vượt qua nhiều gian khổ, mất mát hy sinh để chúng ta có cuộc sống hoà bình như ngày hôm nay. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật là một bài thơ ca ngợi những anh lính lái xe Trường Sơn đã làm nên kì tích ấy. Vì vậy, có thể tích hợp kỹ năng sống, tích hợp kiến thức đã học ở Công dân lớp 9 “Bảo vệ hòa bình” để giáo dục các em ý thức đấu tranh bảo vệ hòa bình chống chiến tranh, chúng ta phải kính trọng, biết ơn và học tập thế hệ cha anh, chủ động xây dựng cho mình lý tưởng sống, cống hiến cao nhất cho sự phát triển của Xã hội. Yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh.
- Tóm lại, học các chủ đề tích hợp, liên môn, học sinh được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Điều quan trọng hơn là các chủ đề tích hợp, liên môn giúp cho học sinh không phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau, vừa gây quá tải, nhàm chán, vừa không có được sự hiểu biết tổng quát cũng như khả năng ứng dụng của kiến thức tổng hợp vào thực tiễn. Phương pháp dạy học tích cực này cần được phát huy rộng rãi! Vĩnh Yên, 30/9/2017. Nguyễn Minh Nghĩa