Sáng kiến kinh nghiệm Vận dụng phương pháp bàn tay nặn bột trong dạy học môn Tự nhiên - Xã hội

docx 5 trang Giang Anh 20/03/2024 2470
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Vận dụng phương pháp bàn tay nặn bột trong dạy học môn Tự nhiên - Xã hội", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docxsang_kien_kinh_nghiem_van_dung_phuong_phap_ban_tay_nan_bot_t.docx

Nội dung tóm tắt: Sáng kiến kinh nghiệm Vận dụng phương pháp bàn tay nặn bột trong dạy học môn Tự nhiên - Xã hội

  1. CHUYÊN ĐỀ: VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP BÀN TAY NẶN BỘT TRONG DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI A. ĐẶT VẤN ĐỀ: Trong những năm gần đây, phương pháp ‘Bàn tay nặn bột” bước đầu được đưa vào thử nghiệm trong dạy học môn Tự nhiên – Xã hội (TN-XH) ở một số trường Tiểu học. Việc nghiên cứu áp dụng phương pháp này vào dạy học sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường là vấn đề hết sức cần thiết góp phần đổi mới phương pháp dạy học. Có như vậy mới hình thành cho học sinh phương pháp học tập đúng đắn. Môn TN-XH là môn học quan trọng ở bậc Tiểu học gắn liền với tự nhiên, đi cùng đời sống của con người. Mục tiêu của phương pháp BTNB là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp BTNB còn chú ý nhiều đến việc rèn kĩ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh. Các hoạt động nghiên cứu, tìm tòi gợi ý cho học sinh tìm kiếm để rút ra các kiến thức cho riêng mình, qua sự tương tác giữa các em học sinh để tìm phương án giải thích các sự vật hiện tượng đơn giản trong tự nhiên. Từ đó hình thành và phát triển những thái độ và hành vi như: ham hiểu biết khoa học, có ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống, yêu con người, thiên nhiên, đất nước, yêu cái đẹp. Có ý thức và hành động bảo vệ môi trường xung quanh. Trong năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học Phước Thạnh tiếp tục thực hiện giảng dạy theo mô hình trường học mới, chúng tôi đã mạnh dạn vận dụng với phương pháp BTNB vào các tiết dạy môn TN-XH. Sau đây chúng tôi xin được chia sẻ những việc đã làm được qua chuyên đề: Vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột ” trong dạy học môn TN-XH. B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ: I. THỰC TRẠNG: 1.Thuận lợi: - Trường học được xây mới, cơ sở vật chất đầy đủ, bàn ghế phù hợp dễ tổ chức cho học sinh học theo nhóm và tiện cho việc tiến hành các thí nghiệm, quan sát. - Tất cả giáo viên đều được tham gia tập huấn phương pháp BTNB. - Giáo viên nhiệt tình, vững vàng về chuyên môn, sẵn sàng vận dụng phương pháp BTNB vào giảng dạy. b) Khó khăn: - Giáo viên còn lúng túng khi giải quyết với các tình huống bất ngờ xảy ra trong tiết học.
  2. - Giáo viên tốn rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị bài dạy: nghiên cứu, lựa chọn bài, điều chỉnh hướng dẫn học, chuẩn bị ĐDDH cho giáo viên, cho học sinh. - Đối với học sinh lớp 1,2 và 3, vốn kiến thức của các em còn hạn chế, các em chưa có kĩ năng quan sát để thấy được những điểm khác biệt để từ đó đưa ra các câu hỏi, giả thuyết hay dự đoán. - Một số học sinh trong nhóm chưa thật sự tập trung vào việc thảo luận nhóm; Nhóm trưởng điều hành nhóm chưa năng động, sáng tạo. II. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN: 1. Giáo viên đầu tư nghiên cứu nội dung chương trình, lựa chọn bài dạy có thể áp dụng phương pháp BTNB. Bàn tay nặn bột là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Phương pháp “ Bàn tay nặn bột” chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra Chính vì vậy, giáo viên phải thường xuyên tự học, tự rèn, tự nghiên cứu nội dung chương trình, tài liệu hướng dẫn học, tham khảo sách báo và đồng thời lựa chọn chủ đề, bài dạy, xác định nội dung kiến thức khoa học. Việc lựa chọn bài dạy cần chú ý đến việc học sinh phải tự đề xuất được các phương án thí nghiệm và có thể tiến hành các thí nghiệm tìm tòi, nghiên cứu. Cho nên, ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã họp và bàn bạc trao đổi để lựa chọn bài dạy xem có thể vận dụng phương pháp BTNB nhằm phát huy tính tích cực của học sinh. 2. Chuẩn bị đồ dùng dạy học, dự kiến phương án tìm tòi. Bước đề xuất thí nghiệm nghiên cứu hay các giải pháp tìm câu trả lời của học sinh là một bước khá phức tạp, đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng sư phạm để điều khiển tiết học, tránh để học sinh đi quá xa yêu cầu nội dung của bài học. Giáo viên cần chuẩn bị sẵn đồ dùng dạy học cho các nhóm giúp các em học sinh có thể quan sát trực tiếp trên vật thật (mô hìnhhay tranh vẽ khoa học) và đưa ra kết luận. Ví dụ: Bài “ Hoa và quả có đặc điểm gì ? ” ( Lớp 3) Để tìm hiểu quả có những bộ phận nào, bước đầu các em học sinh có thể quan sát tranh rồi trao đổi ý kiến với bạn trong nhóm để bộc lộ khái niệm ban đầu theo hiểu biết của các em. Sau đó giáo viên yêu cầu các nhóm đề xuất câu hỏi. Để tìm hiểu các bộ phận của quả, giáo viên dự kiến học sinh đề xuất yêu cầu bổ quả ra để quan sát và trả lời cho câu hỏi về các bộ phận của quả. Phương án tìm câu trả lời hay thí nghiệm kiểm chứng đều xuất phát từ những sự khác biệt của các ý tưởng ban đầu (biểu tượng ban đầu) của học sinh, vì vậy giáo viên nên xoáy sâu vào các điểm khác biệt gây tranh cãi để giúp học sinh tự đặt câu hỏi thắc mắc và thôi thúc học sinh đề xuất các phương án để tìm ra câu trả lời.
  3. Một số phương án tìm câu trả lời có thể không phải làm thí nghiệm mà tìm câu trả lời bằng cách nghiên cứu các tài liệu (sách giáo khoa, tờ rơi thông tin khoa học do giáo viên cung cấp ), hoặc quan sát (trên vật thật, trên mô hình, tranh vẽ khoa học ). 3. Tổ chức lớp học. a. Bố trí vật dụng trong lớp học: Sắp xếp bàn ghế, vật dụng trong lớp học phù hợp với hoạt động nhóm đảm bảo các yêu cầu sau: - Các nhóm bàn ghế cần sắp xếp hài hòa theo số lượng học sinh trong lớp. - Lưu ý đối với các học sinh bị cận thị, loạn thị để bố trí cho các em ngồi với tầm nhìn không quá xa bảng chính, màn hình máy chiếu projector hoặc bảng tương tác. - Khoảng cách giữa các nhóm không quá chật, tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho học sinh khi lên bảng trình bày, di chuyển khi cần thiết. - Chú ý đảm bảo ánh sáng cho học sinh. Đối với những bài học có làm thí nghiệm thì giáo viên cần có chỗ để các vật dụng dự kiến làm thí nghiệm cho học sinh.Không để sẵn các vật dụng thí nghiệm lên bàn của học sinh trước khi dạy học vì nhiều học sinh quá hiếu động, có thể sẽ mất tập trung vì mải nghịch các vật dụng trên bàn. - Mỗi lớp có một tủ đựng đồ dùng dạy để giáo viên khỏi vất vả di chuyển đồ dùng dạy học mỗi khi thực hiện tiết dạy. b. Tạo không khí thoải mái làm việc trong lớp học. Để có một bầu không khí học tập sôi nổi, giáo viên cần xây dựng không khí làm việc và mối quan hệ giữa các em dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và đối xử công bằng, bình đẳng giữa các học sinh trong lớp. Tránh tuyệt đối luôn khen ngợi quá mức một vài học sinh nào đó hoặc để cho các em khá, giỏi trong lớp luôn làm thay công việc của cả nhóm, trả lời tất cả các câu hỏi nêu ra mà không tạo cơ hội làm việc cho các em khác. Giáo viên cần phải chú ý và bao quát lớp học, khuyến khích các học sinh có ý tưởng tốt nhưng rụt rè không dám trình bày. Một không khí làm việc tốt trong dạy học theo phương pháp BTNB có hiệu quả là giáo viên tạo được sự thoải mái cho tất cả học sinh, việc học không trở nên là một điều gì đó quá căng thẳng, các em có thể tham gia và ham thích các hoạt động dạy học được giáo viên tổ chức trong lớp như: thực hiện thí nghiệm, suy nghĩ, thảo luận, trao đổi, trình bày bằng lời nói hay viết 4. Hướng dẫn học sinh hoạt động nhóm: Hoạt động nhóm giúp học sinh làm quen với phong cách làm việc hợp tác với nhau giữa các cá nhân. Trong việc dạy học theo phương pháp BTNB, hoạt động nhóm được chú trọng nhiều và thông qua đó giúp học sinh làm quen với phong cách làm việc khoa học, rèn luyện ngôn ngữ cho học sinh. Mỗi nhóm không được quá nhiều học sinh vì khi số lượng đông sẽ có một số học sinh không có cơ hội làm việc nếu các em này
  4. rụt rè hoặc một số học sinh sẽ không chịu làm việc do lười nói. Nhóm làm việc lý tưởng là từ 4 đến 6 học sinh. Mỗi nhóm học sinh được tổ chức gồm một nhóm trưởng và một thư kí để ghi chép chung các phần thảo luận của nhóm hay phần trình bày ra giấy của nhóm. Nhóm trưởng là người điều hành nhóm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của tiết học. Chúng tôi yêu cầu các em trong nhóm thay đổi, luân phiên nhau làm nhóm trưởng, làm thư ký để các em tập trình bày (bằng lời nói hay viết). Giáo viên cần phân tích cho các em hiểu không nhất thiết phải cử học sinh khá giỏi làm nhóm trưởng. Phải làm sao để các em trong nhóm cần làm việc tích cực với nhau, trao đổi, thảo luận sôi nổi, các em tôn trọng ý kiến của nhau, các cá nhân biết lắng nghe, tạo cơ hội cho tất cả mọi người trong nhóm trình bày ý kiến của mình, biết chia sẻ đồ dùng thí nghiệm, biết tóm tắt các ý kiến thống nhất của nhóm, các ý kiến chưa thống nhất, có đại diện trình bày ý kiến chung của nhóm sau khi thảo luận là một nhóm hoạt động đúng yêu cầu. Trong quá trình học sinh thảo luận theo nhóm, giáo viên đến các nhóm, tranh thủ quan sát hoạt động của các nhóm nhằm bao quát lớp, làm cho học sinh hoạt động nghiêm túc hơn. 5. Hướng dẫn học sinh phân tích thông tin, hiện tượng quan sát khi nghiên cứu để đưa ra kết luận. Khi làm thí nghiệm hay quan sát hoặc nghiên cứu tài liệu để tìm ra câu trả lời, giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết chú ý đến các thông tin chính để rút ra kết luận tương ứng với câu hỏi. Đối với học sinh tiểu học vấn đề này hoàn toàn không đơn giản, các em chưa tự tin. Học sinh cần được hướng dẫn làm quen dần dần.Nếu giáo viên chỉ nêu lệnh rồi học sinh tự rút ra kết luận thì học sinh sẽ rất khó thực hiện, thậm chí còn đặt trọng tâm chú ý vào những điểm không cần thiết, mất thời gian. Chính vì vậy, để học sinh phân tích được thông tin và đưa ra kết luận thì giáo viên cần chú ý: - Lệnh thực hiện phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để giúp học sinh nhớ, hiểu và làm theo đúng hướng dẫn. - Quan sát, bao quát lớp khi học sinh làm thí nghiệm. Gợi ý vừa đủ nghe cho nhóm khi học sinh làm sai lệnh hoặc đặt chú ý vào những chỗ không cần thiết cho câu hỏi.Không nên nói to vì sẽ gây nhiễu cho các nhóm học sinh khác đang làm đúng vì tâm lý học sinh khi nghe giáo viên nhắc thì cứ nghĩ là giáo viên đang hướng dẫn cách làm đúng và nghi ngờ vào hướng thực hiện mà mình đang làm. - Đối với các thí nghiệm cần quan sát một số hiện tượng trong thí nghiệm để rút ra kết luận, giáo viên nên lưu ý cho học sinh chú ý vào các hiện tượng hay phần thí nghiệm đó để lấy thông tin, nhắc nhở học sinh bám vào mục đích của thí nghiệm để làm gì, trả lời cho câu hỏi nào - Cùng một thí nghiệm kiểm chứng nhưng các nhóm khác nhau học sinh có thể sẽ bố trí thí nghiệm khác nhau với các vật dụng và cách tiến hành khác nhau theo quan niệm của các em, giáo viên không được nhận xét đúng hay sai và cũng không có biểu
  5. hiện để học sinh biết ai đang làm đúng, ai đang làm sai. Khuyến khích học sinh độc lập thực hiện giữa các nhóm, không nhìn và học theo nhau. III. Kết quả: Qua nghiên cứu, thực hiện giảng dạy theo phương pháp BTNB chúng tôi nhận thấy: - Học sinh rất hứng thú trong tiết học môn TN-XH,các em được tự tìm tòi, tự khám phá và tìm ra kiến thức mới nên các em rất thích. - Học sinh được hiểu bài chắc hơn và khắc sâu được kiến thức bài học. - Học sinh được phát triển các năng lực như: quan sát, thực hành; kĩ năng làm việc hợp tác nhóm. Rèn luyện cho các em được các kĩ năng như: kỹ năng diễn đạt qua ngôn ngữ nói, viết; tự tin, mạnh dạn hơn khi diễn đạt trước đám đông. - Giáo viên thường xuyên quan tâm, gần gũi học sinh, bao quát lớp để giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn, giải quyết tốt các tình huống, biết rút ra kết luận và hợp thức hóa kiến thức bài học. C. KẾT LUẬN: Qua các giải pháp đã được áp dụng nêu trên, chúng tôi nhận thấy học sinh đã học tốt hơn môn TN-XH, phát huy được tính tích cực của học sinh, hình thành ở học sinh năng lực tự học, năng lực hợp tác, giúp học sinh đạt được mục tiêu bài học, tạo được môi trường học tập thân thiện, vui vẻ, thoái mái, kết quả học tập ngày một tốt hơn. Trên đây là một số biện pháp mà tập thể giáo viên trường chúng tôi đã thực hiện và mang lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy học sinh của mình.Chúng tôi rất mong sự đóng góp ý kiến của các cấp lãnh đạo và các bạn đồng nghiệp để chúng tôi rút kinh nghiệm cho việc giảng dạy ngày càng đạt hiệu quả cao hơn nữa. Phước Thạnh, ngày 05/12/ 2016 TM. Tổ khối 3 Phạm Thị Yến Oanh